Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Kim Tự Tháp: Công trình kiến trúc bí ẩn nhất của loài người

Cho đến nay, vẫn chưa có một câu trả lời chính thức, đầy đủ, chính xác nào cho những bí ẩn của Kim tự tháp. 
  Nếu như phải chọn ra một công trình kiến trúc vĩ đại nhất, bí ẩn nhất của con người, chắc chắn Kim Tự Tháp sẽ là một ứng viên cực kỳ sáng giá. Cùng với xác ướp, tượng nhân sư, các kim tự tháp vĩ đại của người Ai Cập là chủ đề yêu thích của các bộ phim, câu truyện phiêu lưu, truyện kinh dị... Cho đến nay, vẫn chưa có một câu trả lời chính thức, đầy đủ, chính xác nào cho những bí ẩn của Kim tự tháp. Không phải ngẫu nhiên mà trong 7 kỳ quan thế giới (cổ đại), Kim Tự tháp Giza đứng ở vị trí cao nhất và là kỳ quan cuối cùng còn sót lại cho đến ngày nay.

Kim tự tháp là gì?


Kim tự tháp là cách gọi chung của các kiến trúc hình chóp có đáy là hình vuông và bốn mặt bên là tam giác đều. Trong suy nghĩ của đa số chúng ta, các Kim tự tháp chỉ có riêng ở Ai Cập nhưng thực tế dạng công trình này có ở khắp nơi trên thế giới và là tác phẩm của rất nhiều nền văn hóa khác nhau. Với mỗi nền văn hóa, Kim tự tháp lại có những đặc điểm và mục đích sử dụng rất riêng.

Với người Ai Cập cổ đại, Kim tự tháp là công trình được xây dựng và sử dụng như một lăng mộ dành cho nhà vua. Đây cũng là các kim tự tháp nổi tiếng và bí ẩn nhất thế giới cổ đại. Theo sử sách, các nhà vua ngay sau khi lên ngôi, việc đầu tiên họ làm sẽ là bắt đầu xây dựng kim tự tháp cho chính mình. Ngoài ra, một số truyền thuyết cũng cho rằng kim tự tháp là nơi mà người Ai Cập bảo vệ các bí mật vĩ đại nhất của mình.
Tiếp theo phải nhắc đến các kim tự tháp của người Mesopotamia mà chúng ta hay gọi là Ziggurats. Các Ziggurat là một phần trong những ngôi đền thờ cúng thiêng liêng nhất của người Mesopotamia.

Kim tự tháp của các nền văn minh ở châu Mỹ mà nổi bật là người Maya được sử dụng làm nơi hiến tế (con người) cho thần linh cũng là những công trình hết sức đáng chú ý.

Ngoài ra, các dân tộc khác như Nigeria, Greece, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Roman, Ấn Độ và cả Indonesia cũng có những Kim Tự tháp riêng cho mình với những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, không có bất cứ Kim Tự Tháp nào khác có thể so sánh được về độ vĩ đại, kỳ bí với những công trình của người Ai Cập, vì vậy, trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập đến những lăng mộ của Pharaon.
 
Vì sao Kim tự tháp Ai Cập lại chứa nhiều bí ẩn đến vậy?

Nếu như các công trình kim tự tháp khác con người gần như đều có câu trả lời chính xác về cách thức mà người xưa đã sử dụng thì riêng với những kim tự tháp Ai cập, đây còn là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Kim tự tháp, chưa cần đến những câu chuyện hư cấu bởi chúng ta đã có vàn những bí ẩn về trình độ phát triển khoa học và kỹ thuật của người Ai Cập xưa.

Điểm đầu tiên cần phải được nhắc đến là việc các Kim tháp được xây dựng từ các khối đá thiên nhiên nguyên khối, hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta dùng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá có cân năng đôi khi đến cả chục tấn được đẽo gọt và ghép lại với nhau theo một cách không thể hoàn hảo hơn, điều này đảm bảo độ vững chắc, hoàn hảo và trường tồn với thời gian. Các khối đá này được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng. Trên thực tế, kim tự tháp lớn và nổi tiếng nhất của Ai cập hiện nay đã tồn tại được trên dưới 5000 năm. Phải biết rằng, loại đá này không phải luôn được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn km. Đồng thời, cách mà người Ai Cập chuyển được những tảng đá nặng hàng tấn này vào những vị trí chính xác để hòan thành kim tự tháp còn là điều bí ẩn.

Thêm nữa, kim tự tháp cũng chứng minh một điều là người Ai Cập đã biết đến số Pi - một hằng số mà sau này Archimedes được coi là người đã phát hiện ra. Các kim tự tháp luôn có một tỷ lệ kích thước rất chuẩn dựa trên việc tính toán được số Pi. Ví dụ như Kim tự tháp Kheops, nếu chúng ta lấy hai lần chiều cao chia cho diện tích đấy, chúng ta sẽ được số Pi. Đây được coi là tỷ lệ chuẩn và hiệu quả nhất để xây dựng những kiến trúc như thế này. Bên cạnh đó, các kim tự tháp cũng được làm chi li đến mức dù được ghép từ các khối đá lớn, riêng biệt nhưng chúng ta thậm chí không thể luồn một lưỡi dao sắc mảnh vào giữa hai phiến đá. Tại kim tự tháp Kheops, chiều cao chênh lệch giữa hai cạnh đối diện ở mức dưới 2cm - một độ chính xác đến kinh hoàng nhất trong điều kiện người Ai Cập không có các máy móc đo đạc chính xác như hiện nay.
Tiếp theo là cách mà người Ai Cập hiểu về hiệu ứng nhiệt và một số yếu tố mà cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể làm rõ. Không gian bên trong các kim tự tháp được cho là sẽ đảm bảo điều kiện hoàn hảo về nhiệt độ, độ ẩm... để giúp bảo quản xác của các Pharaon một cách tốt và hoàn hảo nhất. Cuối cùng phải kể đến sự hiểu biết đáng kinh ngạc về thiên văn, các chòm sao và các định hướng xuất sắc của người Ai Cập. Chỉ bằng cách quan sát các vì sao, họ đã định hướng một cách chính xác gần như tuyệt đối (sai số dưới 3 độ).
 
Nó được xây dựng như thế nào?

Trước tiên phải nói rằng quá trình xây dựng thực sự một kim tự tháp còn là một bí ẩn chưa có lời giải xác đáng. Tất cả những gì chúng tôi đề cập đến sau đây chỉ là những giả thiết được các nhà khoa học cho là có lý nhất về cách người ta xây dựng chúng.

Đầu tiên phải nói tới những điểm khoa học đã thống nhất về cách thức người tay xây dựng Kim Tự Tháp. Các công trình vĩ đại này luôn được các Pharaoh khởi động ngay sau khi họ lên ngôi và sẽ mất tới hàng chục năm để hoàn thành một kim tự tháp. Trong thời gian này, một lượng nhân công khổng lồ sẽ được các vị vua của Ai Cập huy động để xây lăng mộ cho mình. Nói chung, số lượng nhân công phụ thuộc vào nhiều yếu tố: lương thực, thời tiết, chiến tranh... nhưng được cho là dao động từ khoảng 20.000 đến 100.000 người làm việc liên tục. Số lượng nhân công này sẽ được thay thế thường xuyên bởi xây dựng kim tự tháp là công việc rất khổ ải và làm sức khỏe những nô lệ này kiệt quệ. Theo các tài liệu có được, một nhân công trung bình chỉ có thể phục vụ trong khoảng 3 năm là tối đa.
Nguyên liệu được sử dụng trong các Kim Tự Tháp Kheops được lấy chủ yếu từ mỏ đá nằm cách không xa Kim tự tháp này. Tuy nhiên, lớp đá bọc ngoài kim tự tháp phải lấy từ sông Tura về đến nơi xây dựng Kim tự tháp. Mỗi khối đá nặng chừng 2,5 đến 8 tấn được di chuyển vượt sông, vượt hàng trăm km để về đến nơi xây dựng. Quá trình này, kinh ngạc, sử dụng hoàn toàn sức người. Ngoài ra, đá granite phải được lấy từ Aswan, một địa điểm cách công trình chừng 935km. Người ta ước tính, việc di chuyển một khối đá mất chừng khoảng 2 tháng ròng rã.

Tất nhiên, người Ai Cập không thể kéo lê các tảng đá nặng hàng tấn này suốt một quãng đường dài như vậy. Ngoài việc sẽ cực kỳ tốn công sức, các khối đá đã được đẽo gọt này sẽ bị hư hại nghiêm trọng. Để giải quyết, họ sử dụng các thanh trượt bằng gỗ, kéo bằng dây thừng đến công trường. Tất nhiên, dù như vậy, công sức bỏ ra để di chuyển một tảng đá cũng là rất lớn.

Đưa đá lên cao

Đây là bước gây nhiều tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng một kim tự tháp. Hãy nhớ một điều quan trọng là người Ai Cập khi đó hoàn toàn chưa có các loại máy móc hiện đại hỗ trợ. Ngay cả bây giờ, tức là khoảng 4000 năm sau khi các kim tự tháp Giza được hoàn thành, việc nâng các khối đá nặng hàng tấn lên độ cao hàng chục mét vẫn là một thử thách lớn. Vậy tại sao, 4000 năm trước, con người, cụ thể là người Ai Cập đã làm được việc đó?
Giả thiết đầu tiên, đơn giản nhất tuy nhiên bản thân tôi thấy là không thực tế cho lắm là người Ai Cập xưa đã sử dụng cần trục và ròng rọc để đưa các khối đá này lên cao. Giả thiết này sẽ rất hợp lý nếu như kim tự tháp được xây bằng gạch hoặc những phiến đá nhỏ hơn. Còn với Kim tự tháp, việc đưa các khối đá nặng chừng 2,5 tấn có vẻ khá khó khăn.

Trước hết, nếu sử dụng ròng rọc đơn, chúng ta sẽ phải cung cấp một lực tương đương trọng lực của nó. Một phiến đá trung bình 2,5 tấn và nếu mỗi công nhân có "lực tay" tương đương 100 kg, chúng ta sẽ cần ít nhất 25 người cùng kéo một phiến đá. Tất nhiên, đây là một con số chấp nhận được. Tuy nhiên, liệu 25 người đó có đủ sức để kéo liên tục hòn đá lên hay không? Ngoài ra, lực kéo tương đương sẽ giảm vài lần nếu chúng ta sử dụng ròng rọc kép (như minh họa dưới hình vẽ). Nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta có thể chế tạo ra những ròng rọc có khả năng chịu đựng được lực kéo khổng lồ này là một bài toán khó giải. Ngoài ra, đưa được lên cao sau đó làm thế nào để đưa những viên đá này vào đúng vị trí? Giả thiết này có vẻ không hợp lý lắm.

Giả thiết thứ hai, được nhiều nhà khoa học chấp nhận hơn và cũng hợp lý hơn hẳn: người ai cập đã xây dựng những đường dốc bằng đất khổng lồ để đưa những viên đá lên cao. Những đường dốc này được xây dựng vòng quanh Kim tự tháp và sau khi hoàn thành được phá bỏ. Các đường dốc bằng đất này giúp giảm đáng kể lực cần thiết để đưa hòn đá lên cao đồng thời cũng cho phép nhiều người cùng kéo lên dễ dàng hơn.

Cụ thể, người Ai cập sẽ xây dựng một đường dốc dài có độ dốc thấp từ mặt đất đến phần đang xây dựng dở của Kim Tự tháp. Sau đó, khi xây dựng lên những phần cao hơn, người ta sẽ kéo dài con dốc nhằm đảm bảo độ dốc ở mức thích hợp với quá trình xây dựng. Để kéo những viên đá từ chân dốc lên, người ta sử dụng những thanh gỗ tròn nhằm giảm ma sát. Những tốp nhân công với số lượng thay đổi phù thuộc vào kích cỡ phiến đá sẽ được huy động lần lượt.

Càng lên cao, chiều dài của con dốc sẽ càng phải kéo dài và công việc của những người nhân công sẽ càng vất vả. Tuy nhiên, may mắn cho họ, số lượng những phiến đá ở trên cao càng ngày sẽ càng ít. Theo tính toán, tới 96% vật liệu được sử dụng ở 2/3 dưới của tháp.

Tất nhiên, không phải chỉ có một đường dốc duy nhất được sử dụng vì nếu thế, xây dựng một kim tự tháp sẽ mất cả trăm năm. Ngoài 2 hoặc 3 đường dốc chính được sử dụng liên tục, họ còn xây dựng các đường dốc phụ và nhỏ hơn để mang được nhiều đá lên các phần của kim tự tháp nhất có thể.

Xây dựng và hoàn thành
Sau khi đưa đá lên cao, các nhân công sẽ đưa những hòn đá này vào đúng vị trí của nó. Các khối đá được liên kết với nhau dựa hoàn toàn vào trọng lực của chúng, người Ai Cập không phải sử dụng bất cứ loại vật liệu liên kết nào. Tùy vào kim tự tháp, thứ tự sắp đặt các viên đá, họ sẽ tạo nên các cấu trúc bên trong khác nhau. Nói chung, kiến trúc bên trong các kim tự tháp luôn hướng đến một điểm chung là tạo ra các hành lang ảo cho linh hồn nhà vua đi đến được các vì sao.

Sau khi hoàn thành việc đặt các viên đá để tạo nên hình dáng của kim tự tháp. Người Ai Cập sẽ tiến hành trau chuốt mặt ngoài và mặt trong của kim tự tháp cho đến khi hoàn tất. Công việc chau chuốt được thực hiện từ trên xuống dưới. Họ sẽ lược bỏ các phần lồi ra của mặt Kim Tự tháp, các đường dốc được gỡ bỏ, mặt trong của kim tự tháp sẽ được khắc chữ...

Kim tự tháp và quá trình hoàn thành nó vẫn là niềm tự hào của người dân Ai Cập. Sự vĩ đại và kỳ diệu của Kim Tự Tháp thể hiện rõ trình độ và sự sáng tạo của người dân Ai Cập. Cho đến nay, những bí ẩn trong quá trình xây dựng nó vẫn là một câu hỏi lớn của nhân loại.
Theo Khoa học

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Khám phá "đất lạ" Mường Chiềng

Trong kí ức người Mường trên đất Hòa Bình, những cái tên luôn “mập mờ” nằm giữa đời thực và thần thoại. Như những địa danh trong "Đẻ đất đẻ nước" với Rậm,Thàng, Trẳm, Tró, Bói… của đất Mường hôm nay.

Nhưng, nếu muốn tìm đến những nơi mà cảnh vật vẫn còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên của bàn tay tạo hóa sắp đặt, nơi cảnh đã tự nên thơ thì phải là đất mường Chiềng với bao nhiều nét kĩ vĩ.

Xóm bè
Xóm bè
Xưa kia, dòng sông Đà hung bạo là con đường thủy duy nhất nối liền một dải Tây Bắc. Từ Thác Bờ con sông miệt mài bám lấy những dãy núi cao mà ngược lên mạn Bắc, thọt thỏm giữa đại ngàn. Nhưng từ khi dâng nước tích năng lượng cho hồ thủy điện Hòa Bình, những làng bản trên núi cao đã mấp mé mặt nước. 

Vách đá thành bến sông, đỉnh cao mây mù bao phủ thành những dấu mốc cho tàu, thuyền định hướng. Người dân bấy lâu chỉ quen ăn rừng, ngủ rẫy giờ đã tập tành chài lưới, ghép bè làm lồng nuôi cá. Nghe kể thế, tôi quyết theo người bạn dẫn đường lên với Mường Chiềng một lần cho thỏa.
Bến sông Mường Chiềng
Bến sông Mường Chiềng
Giờ đã có thêm tỉnh lộ 433 từ thành phố Hòa Bình dẫn vào các xã xa xôi của huyện miền núi phía Bắc sông Đà (huyện Đà Bắc) nhưng người sành ngắm cảnh thì vẫn chuộng đường sông. 

Những kí ức thác ghềnh giờ chỉ còn trong câu chuyện xưa của các bác lái đò. Mặt hồ giờ mênh mang, sóng cuộn, gió thổi. Bốn xung quanh vô số những ốc đảo khiến cảnh vật tựa như một Hạ Long trên 500m so với mực nước biển. 

Thuyền cập bến, chẳng có bãi bồi phù xa, đê kè, bãi dâu đồng lúa… mà đập ngay vào mắt là những sườn đồi dốc với nhà sàn cầu thang dốc đứng. Những biến cố của lịch sử đã tình cờ đặt hai mảng ghép ấy vào một bức tranh lạ lẫm trong mắt du khách. Bàn chân còn chưa ráo nước sông Đà, chỉ bước mấy bước chân thì mắt đã gặp con sóc chuyền cành, tai vẳng tiếng gà rừng gáy trưa xa vắng. 

Mường Chiềng nổi tiếng không hẳn vì có những thứ lâm sản quý hiếm để hút khách đồng bằng những cuộc săn tìm hương sắc lạ. Đất này cũng chưa nhuần nhuyễn trong cách làm du lich như Bản Lác, Đồng Văn. Nhưng sức hút lại toát lên từ sự vô tư trong cuộc sống chứ không hề bài trí, sắp đặt. 

Những phiên chợ vội vàng mở khi tàu hàng ghé qua, trong veo những đôi mắt trẻ trên khung cửa voóng nhà sàn, những bà mế hiền từ đem bán răm ba con chuột hun gác bếp, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới… Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến khách lãng du có dịp biến đến một góc về đời sống vật chất của đồng bào nơi đây.
Chợ Mường Chiềng
Chợ Mường Chiềng
Ngày nắng là vậy, ngày mưa đất Mường Chiềng chìm trong sương khói mịt mù như sa khơi. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa than xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ thưng nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiền. Nước mưa rừng chảy trên mái hiên trong những đêm mưa như kể với người lạ về một huyền tích của núi rừng, như cố cản ngăn lại giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.

Những ngày đông giá, thuyền bè ít ghé lên đây thì lại là dịp để gia chủ nhớ ra những món thức ăn đã được tích trữ như một thứ lương khô hấp dẫn. Những chum ủ măng váng trắng sữa, những tảng thịt khô trên gác bếp, những con cá suối bắt vội từ đêm qua được nướng lên thơm nức. 

Mường Chiềng còn được biết đến với cái tết cơm mới được tổ chức rất có tầng bậc lớp lang của trầm tích văn hóa. Từ cuối mùa Thu, các chàng trai của mường bản đã phải đặt bẫy chuột, sóc rồi sấy khô (một vật tế lễ bắt buộc). Kế đến là đan mâm , làm những đôi đua hoa. Trong mâm cỗ cúng còn có cả mía, khoai lang, quả cọ…

Đây cũng là dịp để những ai đam mê những điệu múa vùng Tây Bắc được thưởng thức những tiết tấu lạ lẫm của điệu múa gõ máng (keng-loóng), múa hoa. Các cô gái Tày với váy hoa, áo đỏ sặc sỡ dùng chày gõ vào máng tạo thành những nhịp điệu rộn rã vui tươi. 
Chỉ được tận mắt chứng kiến những điều ấy, ta mới nhận ra điệu thức vui tươi nhất trong đời sống tinh thần của đồng bào miền núi lại là những khi được mùa để đầu mường, cuối bản cũng rộn rã tiếng chày giã gạo. Thanh âm ấy dường như cũng là nhịp đập của trái tim trong lồng ngực căng đầy sức sống mỗi độ xuân về.

Mỗi vùng đất luôn giữ trong mình những điều bí mật, chỉ với những ai dám băng qua đường xa, đèo dốc lên tới nơi và trải lòng mình mới cảm nhận hết điều đó.

(Dân Việt)

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Thành phố ngàn tháp Cairo và bí ẩn kim tự tháp

Chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình xuyên Ai Cập của tôi là Cairo, nơi được mệnh danh Thành phố ngàn tháp. Thành phố thủ đô này có mật độ dân số rất cao với 17 triệu dân. Đến đây, ta sẽ được chứng kiến đủ phương tiện giao thông, đặc biệt là các loại ôtô cũ được tận dụng tối đa.


Ai Cập là một quốc gia có nguồn tài nguyên dầu mỏ nên giá xăng ở đây khá rẻ. Khi đến Cairo, các bạn đừng ngại đi taxi bởi phương tiện di chuyển này vừa nhanh vừa rẻ với giá trung bình khoảng 35 L.E  cho đoạn đường 20km.

Thành phố ngàn tháp Cairo và bí ẩn kim tự tháp
Đền thờ Al-Azhar

Tên Ngàn tháp được gắn cho Cairo bởi ở đây có hơn 1.000 đền thờ Hồi giáo với hơn 1.000 ngọn tháp theo lối kiến trúc Islam khác nhau. Những ngọn tháp cao, thanh mảnh xuyên bầu trời đêm Ả Rập là hình ảnh quen thuộc thường thấy của Cairo.

Đã có thời là thủ đô thế giới của Hồi giáo Cairo mang đậm phong cách kiến trúc và văn hóa đạo Hồi. Hai đền thờ Hồi giáo nổi tiếng nhất ở đây là đền Al-Azhar được xây dựng năm 970 và đền Al-Hussein xây dựng năm 1154. Đền Al-Hussein là một trong những nơi linh thiêng nhất của người Hồi giáo Chiite. Vào tham quan bên trong đền hoàn toàn miễn phí và được phép chụp hình. Khi vào các đền thờ Hồi giáo, bạn phải bỏ giày dép ở bên ngoài và phụ nữ phải trùm khăn che đầu.

Đền Al-Azhar

Tới Cairo, bạn đừng quên ghé thăm chợ Khân el Khalili mà người Ả Rập hay gọi là souk. Nằm trong khu vực đền Al-Azhar và Al-Hussein, đây là một trong những nơi tập trung khách du lịch đông nhất ở Cairo. Lang thang trong những con hẻm nhỏ đông người, tôi có cảm giác như khung cảnh trong chợ vẫn y nguyên như cách đây 600 năm.

Với hàng hóa vô cùng đa dạng và giá cả phải chăng, có thể nói đây là nơi lý tưởng nhất để mua sắm ở Ai Cập. Có điều cần lưu ý là tại Ai Cập người ta không bao giờ nói đúng giá. Nhiều khi chỉ trả 1/10 giá của người bán đưa ra nhưng bạn vẫn bị hớ. Tuy nhiên, ở trong chợ Khân el Khalili phần lớn người ta nói thách không nhiều lắm nên bạn có thể yên tâm mặc cả mua hàng.

Thành phố ngàn tháp Cairo

Góc chợ Khân el Khalili

Một ấn tượng khác của Cairo đối với du khách là sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Bên cạnh những khách sạn “7 sao” phần lớn chỉ dành cho các thương gia và các ông hoàng Ả Rập là những khu nhà ổ chuột mà dân cư lao động nghèo sống chen chúc đến ngột ngạt, nơi mà mật độ dân số có thể lên đến 17 người/m².

Thậm chí, ở Cairo còn có nhiều nơi mà người sống cùng ở chung với người chết, đó là những khu nghĩa trang. Ở đây, người ta dựng nhà trên mồ mả của những người đã chết. Vì vậy những khu nghĩa trang này còn được gọi là khu phố “những người chết sống”. 

Du khách khi đến Cairo sẽ không thể bỏ qua một địa danh đặc biệt cũng là mục đích chính của hành trình khám phá Ai Cập: các kim tự tháp Giza. Cách Cairo chừng 20km, đây là một quần thể tập trung nhiều công trình vĩ đại từ thời các pharaon.

Khám phá thành phố ngàn tháp Cairo

Kim tự tháp Khafre và Cheops

Trong số hơn 100 kim tự tháp lớn nhỏ nằm rải rác trong khu vực, công trình lớn nhất, nổi tiếng nhất là kim tự tháp Kheops hay còn được biết đến dưới tên Đại kim tự tháp. Đây chính là kỳ quan duy nhất trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại còn tồn tại đến ngày nay.

Có nhiều giả thuyết khác nhau về thời điểm xây dựng và hoàn thành kim tự tháp Kheops, trong đó giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất là năm 2.560 TCN. Cách đó không xa còn có kim tự tháp Khafre. Nhìn bề ngoài, kim tự tháp Khafre có vẻ cao hơn cả Đại kim tự tháp do được xây trên khu đất cao hơn. Phía trước kim tự tháp Khafre trấn ngự bức tượng nhân sư khổng lổ.

Người Ai Cập dùng hình tượng nhân sư để xua đuổi tà ma và canh giữ kim tự tháp. Tượng nhân sư có chiều rộng 5m, cao 20m và dài đến 74m.

Khám phá thành phố ngàn tháp Cairo

Người dân bản xứ bên Kim tự tháp Khafre

Trải qua bao thời gian nhưng các kim tự tháp vẫn gần như không bị hư hại. Duy có lớp vỏ bên ngoài của kim tự tháp không còn, một phần bị phá hủy do động đất, một phần bị gỡ ra để xây dựng nhà thờ và pháo đài ở gần đó. Ở Cairo người ta xác định được 5 công trình có sử dụng đá của kim tự tháp. Ngày nay, ta có thể chiêm ngưỡng phần còn sót lại của lớp vỏ bọc trên đỉnh kim tự tháp Khafre.

Rất xứng với danh hiệu kỳ quan thế giới, các kim tự tháp Ai Cập làm bạn choáng ngợp không chỉ vì sự vĩ đại mà còn cả bởi những bí ẩn vẫn chưa có lời giải đáp. Chẳng hạn như nếu ta lấy chiều cao 146,5m của Đại kim tự tháp nhân với 1.000 triệu thì tương đương với khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời; lấy 2 lần chiều cao tháp chia cho diện tích tháp sẽ ra số pi (3,14159)…
Khám phá thành phố ngàn tháp Cairo

Dịch vụ cho thuê lạc đà

Đến thăm kim tự tháp, bạn cũng có thể thuê ngựa hay lạc đà để dạo một vòng trong sa mạc. Những chú lạc đà có khuôn mặt hóm hỉnh với miệng như đang cười sẽ khiến bạn có thêm một hình ảnh khó quên về đất nước này.
Khám phá thành phố ngàn tháp Cairo
Bảo tàng Cairo

... Chiếc máy bay vội vã cất cánh trong đêm đưa tôi rời xa Ai Cập. Hành trang trở về của tôi nặng trĩu những pho tượng pharaon, kim tự tháp, các món quà lưu niệm bằng một loại đá đặc biệt của vùng. Cuộc hành trình đã kết thúc nhưng ấn tượng của chuyến đi vẫn mãi y nguyên.

Ai từng đến Ai Cập một lần chắc cũng sẽ như tôi không bao giờ quên những hình ảnh nhân sư, pharaon, kim tự tháp, các ngôi đền cổ soi bóng xuống dòng sông Nile và nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp về một nền văn minh vĩ đại.